Thị trường BĐS đi xuống, tiến độ thi công nhiều dự án đình trệ khiến các ngành sản xuất liên quan như: sắt, thép, xi măng… giảm mạnh sản lượng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp thép và xi măng khó khăn đến nỗi đang đứng trước nguy cơ phá sản vì nợ ngân hàng trong khi sản phẩm không có đầu ra!
Doanh nghiệp thép có nguy cơ… vỡ nợ!
Tại Hải Phòng, địa phương tập trung mật độ nhà máy thép hàng đầu cả nước, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản bởi nợ ngân hàng, trong khi sản phẩm làm ra bị tồn kho do không có nơi tiêu thụ.
Thị trường BĐS đóng băng khiến ngành sản xuất VLXD trong nước khốn đốn vì không có đầu ra cho sản phẩm.
Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, các ngân hàng cũng không dám cho các doanh nghiệp thép vay thêm tiền, cũng không dám xiết nợ. Vì xiết nợ, doanh nghiệp thép chắc chắn sẽ phá sản và ngân hàng cũng không thể thu hồi được vốn đã cho các doanh nghiệp này vay.
Theo SGTT, tính tới thời điểm tháng 8/2011, các doanh nghiệp thép tại Hải Phòng nợ các tổ chức tín dụng hàng ngàn tỉ đồng. Trong đó, chủ yếu là dư nợ thuộc các nhóm 3, 4, 5 (nợ dưới chuẩn, có nghi ngờ và khả năng mất vốn cao). Thậm chí, nhiều doanh nghiệp thép khó khăn đến nỗi, chỉ tiền điện thôi cũng nợ cả chục tỷ đồng và thường xuyên bị ngành điện cắt điện do không trả được nợ.
Cụ thể, cuối tháng 7/2011, các nhà máy luyện, cán thép của công ty cổ phần thép Vạn Lợi (An Hồng, An Dương) đã bị cắt điện do đã nợ 11,2 tỉ đồng tiền điện. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn nợ bảo hiểm xã hội Hải Phòng số tiền lên đến hơn 6,7 tỉ đồng.
Không riêng Vạn Lợi, hiện nhiều doanh nghiệp thép của Hải Phòng cũng đang rất khó khăn. Chẳng hạn Công ty cổ phần thép Đình Vũ gần đây lỗ tới hàng trăm tỉ đồng. Hay Công ty cổ phần luyện thép Sông Đà – thành viên của thép Việt Ý – mới đi vào sản xuất được hơn một năm với công nghệ được đánh giá là hiện đại, thì hiện tại không chạy hết công suất. Công ty cổ phần thép Cửu Long Vinashin cũng trong tình trạng tương tự…
Theo ước tính của giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thép, tổng số nợ ngắn hạn và dài hạn của các doanh nghiệp tại Hải Phòng với các tổ chức tín dụng hiện khoảng trên dưới 4.000 tỉ đồng, trong đó, có rất nhiều nợ xấu.
Nếu thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng và đi xuống, nhiều doanh nghiệp thép và xi măng,
vốn phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường BĐS có thể sẽ phải phá sản!
Tình trạng khó khăn của ngành thép hiện nay có nguyên nhân trực tiếp từ sự trầm lắng của thị trường BĐS. Bởi, sản phẩm từ các doanh nghiệp này làm ra không tiêu thụ được do không có đầu ra.
Không bán được sản phẩm, không quay vòng được dòng vốn, cũng không thể tiếp tục vay vốn nên nhiều doanh nghiệp hiện đứng trước nguy cơ phá sản rất cao.
Xi măng, cát, sỏi cũng… chung số phận!
Thị trường BĐS đóng băng không chỉ gây khó khăn cho ngành thép, mà các lĩnh vực khác có liên quan đến ngành xây dựng, BĐS như xi măng, gạch, cát, sỏi… cũng chịu chung số phận.
Trong vài tháng gần đây, nhiều cửa hàng kinh doanh VLXD tại Hà Nội, các mặt hàng như: xi măng, gạch, cát, sỏi… hầu như không tăng giá nhưng việc bán hàng rất khó khăn do không có người mua.
Theo ông Lê Văn Chung, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), khả năng xi măng tiêu thụ cả năm 2011 sẽ giảm khoảng 4 triệu tấn so với năm 2010, xuống còn 50 triệu tấn.
Khả năng tiêu thụ giảm, giá bán ra không thay đổi trong khi chi phí đầu vào lại tăng ở mức 2 con số so với năm ngoái: Than nguyên liệu dùng sản xuất xi măng tăng 41%, chi phí giá điện tăng hơn 15%, vỏ bao tăng khoảng 25%, lãi suất vốn vay cao…, khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn.
Quá khó khăn về đầu ra cho các sản phẩm VLXD nên thời gian qua, nhiều nhà thầu VLXD đã chọn cách đổi VLXD lấy căn hộ, chờ thị trường BĐS ấm lên sẽ bán để quay vòng vốn.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia BĐS, thị trường BĐS trong nước cho đến cuối năm, thậm chí sang năm 2012 cũng khó có thể khởi sắc. Nếu dự báo đó là sự thật, nhiều công ty thuộc ngành sản xuất VLXD trong nước khó có thể trụ vững được đến thời điểm thị trường BĐS hồi phục nên sắp tới sẽ phải tuyên bố phá sản hàng loạt!